Tin Tức, Tin Tức - Sự Kiện

Tháp Rùa – Kinh nghiệm du lịch từ A đến Z: Ở Đâu, Chơi Gì?

Từ lâu, Tháp Rùa đã trở thành một phần linh hồn của người Hà Thành, gắn liền với lịch sử lâu đời ngàn năm văn hiến của thủ đô. Không chỉ là biểu tượng du lịch nức tiếng, cái hồn của Tháp Rùa còn khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật cho những hoạ sĩ đem lòng say mê vẻ đẹp Hà Nội. Vậy sự tích Tháp Rùa Hồ Gươm có gì bí ẩn? Cần lưu ý gì khi tham quan Tháp Rùa? Hãy cùng khám phá di sản văn hóa độc đáo này trong bài viết dưới đây!

Giới thiệu về Tháp Rùa Hồ Gươm

Tháp Rùa là điểm đến hấp dẫn du khách suốt 4 mùa trong năm

Tháp Rùa là một ngọn tháp nhỏ nằm trên một gò đất nổi rộng khoảng 350m2 giữa lòng Hồ Gươm mang vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng mà huyền bí. Nằm ở vị trí đắc địa ngay phố Hàng Trống, du khách dễ dàng tham quan Tháp Rùa bằng các phương tiện cá nhân hay công cộng. 

Theo sử sách ghi lại, tên gọi Tháp Rùa bắt đầu từ việc xây tháp trên đảo rùa, nơi trước kia rùa Hồ Gươm thường lên phơi nắng và đẻ trứng. Từ lâu, Tháp Rùa Hồ Gươm được coi là biểu tượng văn hoá, lịch sử ngàn năm văn hiến của thủ đô, là điểm đến du lịch quen thuộc của người dân & du khách. Hình ảnh toà tháp ngả bóng dưới mặt hồ yên ả tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp giữa lòng thành phố, được yêu thích check-in mỗi khi ghé thăm Hà thành.  

Tháp Rùa Hồ Gươm thờ ai? Sự tích Tháp Rùa

Với tuổi đời hàng trăm năm, Tháp Rùa Hồ Gươm là sự hoà quyện giữa nét đẹp xưa cũ và sự tinh túy của văn hóa thủ đô ngàn năm tuổi. Tương truyền, ban đầu gò Rùa được vua Lê Thánh Tông chọn dựng Điếu Đài để làm nơi câu cá. Đến thế kỷ XVII – XVIII, chúa Trịnh đã xây đình Tả Vọng – nơi vui chơi của chúa Trịnh. Tuy nhiên, đến thời nhà Nguyễn, ngôi đình đã không còn dấu tích gì. 

Chính thức khởi công xây dựng vào năm 1886, Tháp Rùa được Nguyễn Ngọc Kim, một bá hộ làm trung gian giữa Việt – Pháp trong thời Pháp thuộc làm nơi chôn cất hài cốt của phụ thân ông. Vì thế, tên gọi ban đầu của tháp là “Tháp Bá hộ Kim”. Giai đoạn 1890 – 1896, đỉnh Tháp Rùa có một phiên bản tượng Nữ Thần Tự Do, được dân gọi là tượng Đầm Xòe nhưng sau này, tượng đã bị phá bỏ. 

Về sau, thực dân Pháp bị quân đội Việt Nam đánh bại thì tháp được đổi tên là Tháp Rùa theo truyền thuyết về vị anh hùng Lê Lợi – người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại quân Minh xâm lược vào thế kỷ 15. Theo sử sách ghi chép, Lê Lợi đã nhận được một thanh kiếm quý từ thần Kim Quy trong hồ, giúp ông giành chiến thắng & giành lại độc lập cho dân tộc.

Bên trong Tháp Rùa có một bệ thờ sát tường phía Tây nhưng không ai biết rõ thờ ai & có từ khi nào? Theo một số lời đồn đoán, người dân cho rằng đó là ban thờ của cha bá hộ Kim nhưng nhận định này vẫn chưa được kiểm chứng. 

Thời gian đẹp nhất tham quan Tháp Rùa Hồ Gươm

Khung cảnh Tháp Rùa đẹp thơ mộng những ngày mùa thu Hà Nội

Mỗi mùa, Tháp Rùa đều có một vẻ đẹp cuốn hút, riêng biệt mà du khách có thể tới đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, mùa thu (từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm) là thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm địa danh lịch sử Hà Nội. 

  • Mùa xuân và mùa hè: Ngắm khung cảnh yên bình, nhẹ nhàng của Tháp Rùa giữa không gian xanh mát và phố phường nhộn nhịp.
  • Mùa thu: Tận hưởng tiết trời dịu mát, cảm nhận mùi hoa sữa nồng nàn & hương cốm thoang thoảng. Những con đường tràn ngập lá vàng rơi, thấp thoáng những tán liễu in bóng dưới mặt hồ tạo nên một background lãng mạn.
  • Mùa đông: Vẻ đẹp rêu phong, cổ kính giữa làn sương mù bao phủ Hà Nội, gây ấn tượng khi toát lên sự yên bình, sâu lắng. 

Đường di chuyển đến Tháp Rùa Hồ Gươm

Để khám phá Tháp Rùa, du khách dễ dàng di chuyển tới Hà Nội bằng nhiều loại phương tiện khác nhau như máy bay, tàu lửa, xe khách, xe máy,…mà bạn có thể tham khảo: 

Xe máy:

Xe máy là phương tiện tiện lợi nhất để dạo chơi Hồ Gươm & tham quan Tháp Rùa với chi phí rẻ nhất. Bạn có thể thuê ở các cửa hàng tại Hà Nội hoặc đi cùng với hướng dẫn viên. 

Xe buýt: 

Có rất nhiều tuyến xe buýt công cộng tới Hồ Gươm mà bạn có thể tham khảo như: 02, 04, 08, 09, 11, 14, 18, 23, 31, 34, 36, 40,…để thuận tiện tham quan Tháp Rùa & ngắm cảnh Hà Nội.

Taxi/ Thuê xe ô tô riêng:

Một số hãng taxi nổi tiếng như: Taxi Mai Linh, Taxi Thành Công, Taxi Hà Nội,…mà bạn có thể tham khảo đặt dịch vụ trên App hoặc liên hệ trực tiếp hotline.

Các địa điểm du lịch gần Tháp Rùa Hà Nội 

Bên cạnh chiêm ngưỡng vẻ đẹp của toà tháp, du khách có thể ghé thăm các điểm tham quan nổi tiếng khác để trải nghiệm trọn vẹn hành trình khám phá Hà Nội. Dưới đây là 5 địa danh mà bạn không thể bỏ lỡ: 

Phố đi bộ Hồ Gươm 

Chính thức đi vào hoạt động năm 2016, phố đi bộ Hồ Gươm có 16 tuyến phố quanh khu vực Hoàn Kiếm. Trong đó, hố Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ là 2 địa điểm gần Tháp Rùa. Bạn có thể dạo bộ quanh một vòng Hồ Gươm để tận hưởng không khí sôi động về đêm tại Hà Nội & khám phá ẩm thực đường phố đa dạng cùng những màn biểu diễn nghệ thuật đường phố hấp dẫn. 

Đền Ngọc Sơn

Cách Tháp Rùa 200m về phía Bắc, đền Ngọc Sơn là một trong những công trình tâm linh nổi tiếng tại Hà Nội, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của thủ đô. Tới đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cây cầu Thê Húc đẹp như tranh vẽ, được thiết kế uốn cong & sơn màu đỏ.

Bên cạnh kiến trúc độc đáo & không gian thanh tịnh, đây còn là nơi trưng bày tiêu bản “rùa thần” gắn liền với truyền thuyết Tháp Rùa, thu hút đông đảo người dân, du khách tìm đến xin lộc, cầu bình an và chụp ảnh check in…

Nhà hát lớn Hà Nội 

Với diện tích khoảng 2.600m2, Nhà hát lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc tiêu biểu của thủ đô do người Pháp xây dựng vào năm 1910. Tới đây, bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, đa dạng thể loại như hòa nhạc, kịch, ballet, sự kiện âm nhạc…

Phố cổ Hà Nội 

Cách Tháp Rùa chưa đến 1km, phố cổ Hà Nội là một tụ điểm ăn uống, vui chơi giải trí hàng đầu tại Hà Nội với nhiều tuyến phố cổ xưa như Hàng Thùng, Hàng Gai, Hàng Lược, Hàng Thùng,…

Trải dài qua 76 tuyến đường, các ngôi nhà hàng trăm năm tuổi nằm liền kề nhau & kinh doanh đa dạng mặt hàng. Du khách thoả thích mua sắm các món quà lưu niệm và thưởng thức đặc sản Hà thành như: bún chả hàng Mành, phở Lý Quốc Sư, bún thang Cầu Gỗ, nộm Hàm Long, nem chua rán ngõ Tạm Thương,…

Chợ Đồng Xuân

Chợ Đồng Xuân là khu chợ lâu đời nổi tiếng bậc nhất miền Bắc với không gian sầm uất, đa dạng mặt hàng. Đến đây, bạn có thể thoả sức mua sắm, nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của người dân Hà thành & thưởng thức nhiều món ngon hấp dẫn như: bún riêu sườn sụn, bánh tôm, chè, bún chả que tre, bánh rán mặn… 

Kết

Tháp Rùa là một biểu tượng lâu đời của thủ đô Hà Nội, vừa sở hữu cảnh quan yên bình, thanh tịnh giữa lòng thành phố vừa mang nét đẹp văn hoá, lịch sử ngàn năm văn hiến. Là niềm tự hào của mỗi người dân thủ đô, Tháp Rùa chắc chắn sẽ là một điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách từ nhiều nơi tới tham quan, trải nghiệm. Hy vọng những thông tin hữu ích trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ngôi tháp cổ này & có một chuyến du lịch ý nghĩa bên gia đình, bạn bè!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *