Từ lâu, chùa Cổ Lễ đã trở thành địa danh nổi tiếng được đông đảo du khách ghé thăm tại Nam Định. Nhắc đến ngôi chùa này, người ta không chỉ nhớ đến kiến trúc độc đáo thú vị mà còn nhớ về huyền thoại, đã từng có 27 nhà sư cởi áo thầy tu khoác chiến bào ra trận từ ngôi chùa lịch sử.
Chùa Cổ Lễ- Ngôi chùa của kiến trúc cổ độc đáo
Chùa Cổ Lễ toạ lạc tại trung tâm thị trấn Cổ Lễ, thuộc huyện Trực Ninh, cách trung tâm thành phố Nam Định vào khoảng 15km.
Chùa được xây dựng từ thế kỷ 12 dưới thời nhà Lý với tên gọi Thần Quang Tự. Đây là nơi thờ đức Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không- Một trong ba vị “Nam Thiên Tam Vị Thánh Tổ” của Phật giáo Việt Nam. Ngài cũng chính là người mang đồng từ Tống về An Nam đúc lên “An Nam Tứ Đại Khí- 4 bảo vật của nước Nam xưa bao gồm: Tượng Phật cao hơn 4m ở chùa Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền nặng 1 tấn ở Hải Dương, Tháp Báo Thiên cao 9 tầng ở Hà Nội và Đỉnh Phổ Minh nặng 1 tấn, ở Nam Định.
Ở thời điểm mới xây dựng, chùa Cổ Lễ được làm bằng gỗ, có kiến trúc cổ. Theo thời gian chùa bị xuống cấp. Đến năm 1902 được tôn tạo lại theo kiến trúc “Nhất Thốc Lâu Đài” với quy mô lớn hơn và được làm chủ yếu từ vôi, gạch, cát mật.
Phía trước chùa Cổ Lễ là tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 9 tầng hình hoa sen, chiều coa 32m, nằm trên lưng một chú rùa khổng lồ, đầu hướng về chùa. Rùa nằm giữa hồ nước hình vuông, bốn góc là giả sơn lớn, có đắp hình voi rất to.
Đi tiếp ngôi tháp là cầu Cuốn, dẫn qua hồ Chu Tích, đến chùa Trình. Chùa Trình còn có tên gọi khác là hội Quán Đường. Đây là nơi thờ đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt. Trước sân chùa trình là hai chiếc lư hương khổng lồ, nơi dân chúng đến thắp hương, cúng bái chư Phật.
Hai bên chùa Trình là đền thờ Linh Quang Từ- đây vốn là nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương. Và đền thờ Thánh Mẫu, vốn là nơi thờ thánh mẫu Liễu Hạnh.
Du khách đi qua cầu Tả Sơn Kiều hoặc Hữu Sơn Kiều dài 14 m sẽ tới Tam Bảo toà chính cung. Nơi đây cao 29m, là chốn thờ Phật Tổ và đức thánh Nguyễn Minh Không.
Ngôi Tam Bảo sở hữu kiến trúc vô cùng độc đáo khi kết hợp hài hoà giữa văn hoá Á Đông và Phương Tây, giữa nét hiện đại thời bấy giờ và truyền thống từ ngàn xưa. Theo đó, bên ngoài Tam Bảo vừa có hoạ tiết hoa văn mang biểu tượng Phật giáo vừa có hình ảnh rộng bay phượng múa, hoa sen và đao gươm.
Chùa Cổ Lễ còn nổi danh với quả chuông đồng nặng 9 tấn tên là Đại Hồng Chung. Trải qua chiến tranh, Đại Hồng Chung đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và trở thành chứng tích lịch sử của chùa Cổ Lễ ngày nay.
Chùa Cổ Lễ và huyền thoại 27 nhà sư cởi áo thầy tu khoác chiến bào ra trận
Theo chuyện kể lịch sử, ngày 27/2/1947, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hoà thượng Thế Thích Long đã chủ trì lễ phát nguyện cho 27 nhà sư “cởi áo cà sa, khoác chiến bào ra trận”, quyết tâm nhập ngũ, chiến đấu để bảo vệ quê hương đất nước. Theo đó, đã có 12 nhà sư hy sinh trong cuộc chiến dành độc lập dân tộc. Các nhà sư còn lại, người tiếp tục ở lại quân ngũ giữ chức vụ cao, người về lại cửa thiền, mặc áo cà sa, giữ nhiều chức vụ trong giáo hội Phật Giáo.
Năm 1999, để tưởng nhớ công lao hy sinh của các vị sư trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Cổ Lễ và các ni sư đã xây vườn tượng để tưởng nhớ trong khuôn viên chùa.
Hội chùa Cổ Lễ được diễn ra vào các ngày 13-16 tháng 9 âm lịch hàng năm. Vào các dịp lễ hội, Chùa tổ chức rất nhiều trò chơi dân gian như: Rước Phật, đấu vật, chơi đánh cờ người, chơi đua thuyền… Thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương ghé thăm.
Năm 1988, chùa Cổ Lễ được xếp hạng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Không chỉ là chốn thờ phượng tâm linh, chùa Cổ Lễ được cho là chứng tích lịch sử với nhiều huyền thoại ý nghĩa. Hiện nay, chùa Cổ Lễ là danh lam thắng cảnh được nhiều người tìm đến để thăm viếng, cầu bình an cho gia đình vào các dịp lễ lớn đầu năm và hội chùa hàng năm. Nếu có dịp ghé thăm Trực Ninh, Nam Định, bạn đừng quên ghé thăm di tích lịch sử ấn tượng và độc đáo này nhé!